QĐND - LTS: Đại tá Bùi Quang Thận, người trực tiếp cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập (ngày 30-4-1975) vừa đột ngột về cõi vĩnh hằng khiến người thân, đồng chí, đồng đội và quần chúng nhân dân gần xa tiếc thương vô hạn. Trong niềm đau thương ấy, Trung tướng Phạm Xuân Thệ (nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Tư lệnh Quân khu 1) - người chỉ huy - người đồng đội - người bạn thân tình của Đại tá Bùi Quang Thận đã chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm, những cảm xúc sâu kín mà ông dành cho người đồng đội quý mến của mình.
![]() |
Đại tá Bùi Quang Thận trên chiếc xe tăng làm nên lịch sử, kể lại ngày 30-4-1975 vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Đào Văn Sử
|
Người cán bộ quả cảm, mưu trí
Trở về sau chuyến cùng Đoàn Cựu chiến binh Sư đoàn 304 vào huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động hướng đến Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), ông Thệ bị sốt nặng phải nằm mấy ngày liền. Đến ngày 24-6, ông lại nhận hung tin Đại tá Bùi Quang Thận đột ngột ra đi làm ông càng thêm suy sụp. Tâm sự với chúng tôi tại nhà riêng (số 89, Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà Nội) ông Thệ bày tỏ:
- Thật đau buồn khi nghe tin anh Thận mất. Đáng ra, lúc này tôi phải có mặt ở Thái Bình thăm viếng anh, thế nhưng đang bị sốt nặng thế này nên không thể... Nhờ các đồng chí ghi chép những dòng suy nghĩ của tôi, xem đây như một nén hương thơm gửi kính viếng anh!
Ôn lại kỷ niệm giữa ông và người đồng đội cũ, ông Thệ kể rằng, lần đầu ông biết Bùi Quang Thận đúng vào thời khắc ông chứng kiến hành động dũng cảm của người đại đội trưởng đại đội tăng cắm lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Ông kể và khẳng khái:
- Cái tài, lòng quả cảm và cả nhãn quan chính trị của anh Thận thể hiện ở chỗ khi xe tăng T54 mang số hiệu 843 vừa húc vào cánh cửa trái cổng Dinh Độc Lập, anh Thận đã nhanh tay lấy cờ Giải phóng cắm trên cần ăng-ten xe tăng, trèo qua nòng pháo, vượt cổng vào bên trong Dinh để cắm cờ. Hành động đó thể hiện sự táo bạo nhưng cũng rất quyết đoán, quả cảm của anh Thận. Có lẽ khi đó, anh Thận cũng rất hiểu việc cần kíp phải cắm được lá cờ của chính quyền cách mạng. Cắm được cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập để khẳng định với quốc dân đồng bào và bầu bạn thế giới là ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Hành động của Trung úy Bùi Quang Thận lúc ấy được Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đánh giá rất cao. Tất cả đều công nhận chiến công của ông Thận không chỉ ở việc cắm cờ mà còn ghi nhận hành động của ông trong suốt hành trình tiến vào Dinh Độc Lập sáng 30-4-1975 (bắt đầu từ cầu Sài Gòn).
Theo lời kể của ông Thệ, sáng 30-4, mũi thọc sâu của Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) do ông (lúc ấy là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66) chỉ huy phối hợp với Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn xe tăng 203) bị địch đánh chặn quyết liệt ở cầu Sài Gòn. Trong trận đánh này, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Ngô Xuân Nhỡ hy sinh, nhưng lực lượng của ta tiêu diệt được một số xe tăng địch, phá được thế phòng ngự, buộc chúng rút chạy. Lúc ấy, trên cầu Sài Gòn xe tăng địch bốc cháy dữ dội, đạn trong xe tăng nổ lớn, không gian sặc sụa và tanh khét mùi thép cháy nhưng một chiếc tăng của ta vẫn hùng dũng tiến lên mở đường, vượt qua "vật cản" đó, rồi dẫn đầu đoàn tăng tiến thẳng vào nội đô thành phố Sài Gòn. "Chiếc tăng đi đầu chính là chiếc xe tăng mang số hiệu 843 do Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1) chỉ huy.
- Anh Thận rất mưu trí, linh hoạt trong chiến đấu. Việc anh chỉ huy xe tăng của mình xông lên dẫn đầu đội hình vượt cầu Sài Gòn còn thể hiện bản lĩnh và tài quyết đoán của người chỉ huy… Trong tâm thức và suy nghĩ của tôi, anh Thận luôn là người lính xe tăng quả cảm, mưu trí! - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói.
Người cán bộ huấn luyện tài ba
Lập được thành tích và chiến công đặc biệt như vậy, nhưng trở về quê hương sau chiến tranh, ông Thận rất ít khi nói về mình. Thi thoảng được cấp trên động viên, hoặc giao nhiệm vụ ông mới kể chuyện chiến đấu cho thế hệ trẻ. Trong công việc, trải qua các cương vị khác nhau, ông Thận đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ông được đánh giá là cán bộ giỏi về tham mưu và tổ chức huấn luyện chiến đấu. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những kiến thức học được ở Liên Xô trước đây (từ năm 1978-1983), cộng với kinh nghiệm chiến đấu, trên cương vị Chủ nhiệm Tăng - Thiết giáp Quân đoàn 2 (từ năm 1991), Đại tá Bùi Quang Thận đã sớm xây dựng được phương pháp huấn luyện sáng tạo, hiệu quả. Trong đợt diễn tập thực nghiệm của Quân đoàn 2 do Bộ Quốc phòng chỉ đạo (năm 1995), trước tình huống đặt ra là phải tổ chức cho xe thiết giáp vượt cửa mở tấn công các mục tiêu đầu cầu trong điều kiện địa hình bằng phẳng, không gian rộng và không có vật che khuất, che đỡ, Tư lệnh Quân đoàn Phạm Xuân Thệ đề nghị Chủ nhiệm Tăng - Thiết giáp tham mưu cách xử trí tình huống. Ông Thận bình thản: “Tư lệnh đang có mấy trung đoàn pháo. Hãy dùng pháo binh đè đầu địch xuống để xe tăng của ta tiến lên”. Đến giờ, ông Phạm Xuân Thệ vẫn tâm huyết:
- Cách tham mưu của anh Thận giúp tôi có được bài học quý: Là người chỉ huy binh chủng hợp thành phải biết phát huy sức mạnh các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp nội sinh trong tổ chức và thực hành chiến đấu. Trong huấn luyện, anh Thận quan tâm huấn luyện từ gốc nhưng kết hợp khéo léo giữa huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật, gắn lý thuyết với thực hành và trang bị kinh nghiệm chiến đấu cho các thế hệ kế tiếp... Đó là cách huấn luyện sáng tạo, hiệu quả mà tôi và đồng đội luôn ghi nhận ở anh Thận - Ông Thệ nói.
“Anh hùng” giữa đời thường
Trong câu chuyện kể về người đồng đội của mình, ông Thệ nghẹn ngào xúc động thương xót người bạn, người đồng chí của mình. Đúng như những gì ông Thệ kể, trong công việc, khi thực hiện chức trách nhiệm vụ thì cấp trên, cấp dưới phân định rõ ràng, nhưng ngoài đời hai người là đôi bạn thân. Ông Thệ và ông Thận đã nhiều lần về quê và thăm gia đình của nhau. Đã có nhiều bức ảnh ghi lại kỷ niệm vui buồn, thời khắc quan trọng mà hai ông đã trải qua. Ông Thệ rất hiểu hoàn cảnh gia đình ông Thận còn nhiều khó khăn về kinh tế nên thường gợi ý được giúp đỡ, thế nhưng lần nào ông Thận cũng tếu táo: “Cám ơn ông, mình xa nhà biền biệt, khó khăn cũng là cơ hội để giúp đỡ vợ con. Mình nghĩ lao động cũng như làm cách mạng vậy”.
Ông làm như ông nói, năm 2000, sau gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, ông Thận nghỉ hưu, trở về và là bắt tay ngay vào công việc ruộng đồng, như một người nông dân thực thụ. Ông cần mẫn với ruộng đồng và kinh doanh thêm cả những nghề phụ để cải thiện cuộc sống. Gần đây ông còn thuê ao, nuôi tôm, thả cá; rồi mở thêm cửa hàng bán gas, bán xe đạp, xe máy…
Đã từng trải qua mưa bom bão đạn, "nếm" đủ những khổ đau nên áp lực kinh doanh, nỗi nhọc nhằn lao động chỉ càng làm cho tinh thần người chiến sĩ thêm sắt đá. Không chỉ ở Thụy Xuân (Thái Thụy, Thái Bình), mà nhân dân ở nhiều địa phương khác cũng biết đến ông như một người nông dân cần mẫn giản dị, mộc mạc, dễ gần...
- Bùi Quang Thận như thế đấy. Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết anh đại đội trưởng xe tăng cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30-4-1975 lịch sử ấy. Nhưng con người của lịch sử ấy còn có những điều thú vị mà không phải ai cũng có thể biết hết, hiểu hết - một con người giản dị đến cao thượng! - Ông Thệ nói với chúng tôi với vẻ mặt đầy tự hào và xúc động thay cho lời chia tay.
-----------------------------------theo cnnd.com---------------
Đại tá Bùi Quang Thận trên chiếc xe tăng làm nên lịch sử cho Việt Nam tươi đẹp.
Trả lờiXóa