THÔNG TIN

Bài viết
Bình luận

ONLINE

Free Global Counter

TRUY CẬP

ALEXA

20 tháng 1 2013

ĐỌC VÀ SUY NGẪM

by Unknown  |  at  20.1.13


CHI SHYN
Hôm nay tôi có đọc một bài viết của tác giả Trần Trường Sa “Bụng làm dạ chịu” trên blog:
Tôi bỗng nhớ tới câu nói “biết nói là biết, không biết nói là không biết, thế mới là biết”. Những kẻ hiểu biết tí chút, chẳng đến đầu đến đũa nhưng lại thích khoe khoang, thể hiện, dùng những từ ngữ uyên thâm, đao to búa lớn nhưng thật ra chẳng hiểu hết thật đáng nực cười, ấu trĩ hết mức. Tôi chẳng dám tự nhận mình hiểu biết nhiều nhưng khi đọc bài viết của Trần Trường Sa, trong phạm vi hiểu biết của mình, tự thấy thật không vừa mắt chút nào, tự thấy không thể im lặng, xin trích ra để mọi người được tự xem và đánh giá.
Thứ nhất, tác giả mở đầu bài viết bằng việc chỉ trích “triều đại cộng sản” (cái cách dùng từ hết sức củ chuối) với những dẫn chứng từ Trung Quốc đến Phi-lip-pin, từ ngày xưa đến ngày nay, từ Liên Xô đến Mĩ. Mà tôi nói thật, tôi rất là dị ứng với những kiểu phê phán thiếu tinh thần xây dựng, coi khinh những kẻ chẳng bằng ai mà mở miệng ra là chê bai, chửi đổng. Tôi thiết nghĩ, cuộc sống chẳng có gì hoàn hảo, nếu hoàn hảo cuộc sống đã chẳng phải là chính nó, chính vì thế tôi trân trọng những ai đã phê bình tôi để tôi hoàn thiện mình (xét về mặt này thì Trần Trường Sa chắc hãy cảm ơn tôi). Nhưng phê bình khác với bôi nhọ, đặt điều, suy nghĩ cái gì cũng một chiều tiêu cực. Bạn phê phán tôi? OK? Tôi không hoàn hảo. nhưng hãy chỉ cho tôi biết rằng tôi chưa tốt ở điểm nào và chỉ cho tôi phải làm sao để tốt lên. Như thế mới gọi là lời phê bình đáng được trân trọng Trần Trường Sa ạ. Bạn phê phán Đảng cộng sản? Bạn phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? OK? Vậy đặt bạn vào vị trí của một vị lãnh đạo cấp cao, bạn dám khẳng định mình sẽ làm cho đất nước chúng ta thoát khỏi cảnh “suy vong”, văn hóa hết “suy thoái” , kinh tế hết “suy sụp”, tài nguyên hết “suy kiệt”, đạo đức hết “suy đồi”... còn dân chúng thì hết “suy vi”…không? Tất nhiên việc đó không thể ngày một ngày hai (nếu như thật sự có cái “thảm cảnh” như bạn nói trên đất nước mình), và cũng không phải là việc một người làm được, nhưng điều tôi đang muốn nói là khi phê phán ai đó, hãy nhìn theo hướng tích cực, hãy phê bình thật tích cực. Nói thì dễ lắm nhưng hãy nghĩ cách để làm tốt hơn đi. Và vì chẳng có gì là hoàn hảo tuyệt đối cho nên mới có những diễn đàn: cử tri hỏi Quốc Hội, dân hỏi Bộ trưởng trả lời… dân ta vẫn đang thực hành góp ý, phê bình đấy thôi. Nhưng chỉ mong mỗi công dân hãy dốc sức suy nghĩ, góp ý tích cực để xây dựng đất nước.
Thứ hai, tác giả Trần Trường Sa có bình luận về phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, có nhắc đến những điểm được, điểm chưa được của các phong trào ấy. Tuy nhiên, điều này, lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất rõ. Còn khi nói về chủ nghĩa cộng sản, tác giả cho rằng, chủ nghĩa cộng sản phù hợp với tâm lí của dân ta khoảng thế kỉ 20: Không cần phải học, không cần có tư duy độc lập (vì đã chủ nghĩa Mac-Lenin dẩn đường). Bình luận như thế này thì hóa ra Trần Trường Sa chẳng hiểu gì về nguyên lí của việc “học”. Học trước hết phải là sự kế thừa những sản phẩm của người khác trước đã, đó mới là quy luật của tư duy, rồi sau đó mới là sáng tạo, phát minh… nếu học mà không kế thừa thật chẳng khác nào xây nhà từ nóc. Với một dân tộc hơn 90% dân số mù chữ như Việt Namchúng ta khi đó (hậu quả của chính sách “ngu để trị” của thực dân Pháp) thì việc học, việc tự tạo ra cho mình một nền tảng tư tưởng cách mạng lại càng khó hơn bao giờ hết ( nếu không muốn nói là điều không thể). Hồ Chí Minh – trí tuệ sáng ngời của dân tộc đã đi đúng con đường của sự tư duy. Chính Người chứ không ai khác đã sang châu Âu – quê hương của những tư tưởng tiến bộ để học, để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Người đã tiếp thu, kế thừa chủ nghĩa Mác – Lê-nin nhưng là tiếp thu một cách sáng tạo để cho ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh (phù hợp hơn với cách mạng Việt Nam lúc đó), soi sáng, dẫn đường cho nhân dân ta giải phóng dân tộc. Những công lao của Người, những hi sinh của nhân dân ta, những thành quả mà chúng ta đã đạt được là không thể phủ nhận dù tác giả Trần Trường Sa có nói gì đi nữa.
Thứ ba, tác giả có nói rằng: Phần lớn người dân khoái “lấy của người giàu chia cho người nghèo” hơn là phải học để làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, quản lý xã hội một cách hiệu quả trên cơ sở tự do - bình đẳng. Họ đâu tính đến chuyện, sau khi ăn hết những thứ lấy được của tư sản, địa chủ thì lấy đâu ra tri thức để làm ra nhiều của cải vật chất mà chia nhau, lấy đâu ra phương thức quản lý tối ưu để ít có gian lận, ăn cắp trong sản xuất và ăn chia ! Tôi nghĩ rằng, nếu tác giả hiểu bản chất của xã hội Việt Nam lúc đó thì sẽ không thể nhận định ngớ ngẩn như thế này. Nói một cách thẳng thắn thì “người giàu” trong xã hội lúc bấy giờ là ai? Phần lớn là cường hào, địa chủ phong kiến (sau này hầu như đi theo thực dân) và những kẻ làm tay sai cho Pháp. Người Pháp không lao động, không sản xuất, không tạo ra của cải tại An Nam, mà chúng chỉ biết bóc lột sức lao động của dân ta, vơ vét tài nguyên của ta (một trong những lí do mà tài nguyên nước ta cạn kiệt như tác giả nói ở trên) ; còn bọn người giàu kia, tất nhiên, họ càng không phải lao động, mà họ nhận bổng lộc từ thực dân Pháp cho công việc làm tay sai của mình. Vậy thì ai tạo ra của cải để nuôi cái xã hội đó, ai tạo ra của cải để những bọn người trên vơ vét? Chính là những “người nghèo”, chính là những người mà tác giả cho rằng họ chỉ biết ăn hết những gì lấy được của tư sản, địa chủ. Chính là những người mà bị đối xử như trâu ngựa, chỉ nhận được một phần ít ỏi trong những gì mình tạo ra. Đó mới chính là những người không được đối xử bình đẳng nên mới khát khao bình đẳng đến thế, và họ mới “tức nước vỡ bờ” mà “lấy của gười giàu chia cho người nghèo” nhưng thật ra là dành lại những gì đáng ra thuộc về họ.
Bài viết của tác giả còn dài nhưng nội dung thì chắc mọi người đã có thể tự hình dung ra hết được. Có thể hôm nay tôi đã nói quá nhiều, khiến cho mọi người nghĩ rằng tôi có thâm thù cá nhân với bạn Trần Trường Sa kia hoặc là tôi phản động hay như thế nào đấy. Chỉ một điều cuối cùng tôi muốn các bạn được biết. Bố mẹ tôi, ông bà tôi cũng là những “người nghèo” trong xã hội đó. Chỉ có sống ở những lúc ấy chúng ta mới hiểu hết được nỗi thống khổ của cha ông chúng ta (Tôi nghĩ chúng ta hầu hết đều xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo khổ như thế). Ông bà tôi cũng đã từng tham gia vào phong trào “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, như bà tôi kể lại: nhờ ơn Bác Hồ, nhờ ơn cách mạng mới có được ngày hôm nay. Cách mạng đã chỉ đường cho dân ta đấu tranh, đem lại cho dân ta sự bình đẳng, công bằng mà trước đây họ chưa từng biết. Nhờ ơn những điều đó mà cha ông chúng ta thoát khỏi cảnh bần cùng. Một người thuộc thế hệ sau như tôi chỉ dám biết ơn mà thôi. Đọc được một bài viết đảo lộn mọi giá trị như thế, thật sự hôm nay tôi buồn, bạn Trần Trường Sa ạ!

1 nhận xét:

Proudly Powered by Blogger.