---Cây Sung Dâu ---
Trong sự phát triển của xu thế thời đại và bối cảnh quốc tế đối
với sự phát triển của đất nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức
được vị trí, vai trò của con người đối với chiến lược phát triển của đất nước.
Đảng đã xác định đó là một trong những đột phá quan trọng và chiến lược của đất
nước. Điều đó được thể hiện rõ tại Đại hội XI của Đảng và Hiến Pháp 1992.
Theo đó, XHCN là một xã hội tất cả vì con người, cho con người
và phát triển con người toàn diện. Tính ưu việt của XHCN mà nhân dân ta đang
xây dựng không chỉ được thể hiện trong đặc trưng tổng quát dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh, mà còn được thể hiện ở đặc trưng Con người có cuộc
sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.
Theo đó, Đảng đã khẳng định: Con người là trung tâm của chiến
lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.
Quan điểm này trước hết là nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng
của yếu tố con người trong thời đại ngày nay. Đảng nhận thức rõ nguồn lực con
người là yếu tố cơ bản, quyết định sự phát triển nhanh và bền vững so với các
nguồn lực khác, là nguồn nhân lực nội sinh quan trọng nhất để xây dựng và phát
triển đất nước. Hiện tại, nguồn nhân lực chất lượng thấp đang là một trong “ba
điểm nghẽn”. Do vậy cần phải nhận thức đầy đủ vai trò đặc biệt và tập trung đầu
tư phát triển nguồn lực con người có chất lượng cao, coi đây là một trong ba
khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Theo đó, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con
người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước và quyền làm chủ của nhân
dân.
Mỗi cá nhân trong quá trình phát triển không thể tách rời điều
kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của cộng đồng quốc gia, dân tộc. Mối quan hệ cá
nhân – cộng đồng, giai cấp – dân tộc – nhân loại luôn gắn bó chặt chẽ, tác động
qua lại lẫn nhau trong mỗi con người, nhờ đó mỗi cá nhân phát triển ngày càng
toàn diện, cộng đồng xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.
Đảng nhấn mạnh không chỉ đến việc tôn trọng và bảo vệ quyền
con người Việt Nam, mà còn đến mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người với
quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước. Nhận thức này nhằm khắc phục cách
nhìn, cách hiểu phiến diện của một số người khi nhấn mạnh quyền con người nhưng
không đặt nó trong mối quan hệ với lợi ích của dân tộc, quốc gia; coi quyền con
người cao hơn chủ quyền quốc giam dân tộc hoặc xem xét quyền con người tách rời
các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử của đất nước. Bàn về vấn đề
này, Đảng luôn nhấn mạnh phải đứng trên quan điểm lịch sử, cụ thể khi xem xét
con người.
Xác định rõ một trong những động lực quan trọng để xây dựng
CNXH là giải quyết hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và toàn xã hội. Lợi ích
thiết thực mà mỗi con người Việt Nam hiện nay mong đợi phản ánh nhu cầu về đời
sống vật chất, đời sống tinh thần và nhu cầu phát triển con người toàn diện.
Từ đó, Đảng đã chỉ ra những phẩm chất cơ bản cần phải đạt tới
của con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đó là: giàu lòng yêu nước, có ý
thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống
có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính.
Nhận thức của Đảng về những phẩm chất cần có của con người Việt
Nam vừa phản ánh tính kế thừa của chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời tiếp thu những
giá trị mới của thời đại. Những phẩm chất này đã bao hàm những yếu tố cốt lõi
nhất của chỉ số phát triên con người mà Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)
đã đề xuất từ thập niên 90 của thế kỷ trước./.
0 nhận xét: