THÔNG TIN

Bài viết
Bình luận

ONLINE

Free Global Counter

TRUY CẬP

ALEXA

25 tháng 7 2014

BÀN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ: ĐỂ CHO SỰ TỔN THƯƠNG KHÔNG HỀ VÔ NGHĨA

by An Chiến  |  at  25.7.14

LTS: 27/7 hàng năm không đơn thuần là một sự kiện để các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đạo lý 'uống nước nhớ nguồn". Đó còn là ngày để những người làm công tác này tự nhìn, tự soi lại mình, để biết rằng, với chức trách và bổn phận được giao phó họ đã thực hiện nó đến đâu....Cho nên, không phải ngẫu nhiên khi ngày thương binh, liệt sỹ năm nay có thêm không ít những câu chuyện cần luận bàn, đánh giá xung quanh tính công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với những người đã có cống hiến cho dân tộc trong quá khứ. 

Dẫu biết rằng, dù đáp án của những hoài nghi ấy là như thế nào đều làm tổn thương những con người là thương binh, liệt sỹ - những con người đã chịu quá nhiều mất mát. Nhưng nên chăng, chúng ta bắt đầu cho một điều không vui năm nay để năm sau khi nhìn lại ta biết sự tổn thương ấy không hề vô nghĩa. Xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền xung quanh câu hỏi: Có hay không sự phân biệt chế độ, chính sách dành cho các cựu chiến binh (CCB), thân nhân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với CCB, thân nhân liệt sĩ các giai đoạn khác?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Không phân biệt chính sách đối với những người từng tham gia chống TQ xâm lược. Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, trong cuộc trao đổi với Tuổi trẻ. Bà Chuyền cũng có cho biết không có sự phân biệt chế độ, chính sách dành cho các cựu chiến binh (CCB), thân nhân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với CCB, thân nhân liệt sĩ các giai đoạn khác. 

Bà Chuyền cũng khẳng định chính sách của Nhà nước đối với CCB là nhất quán, không phân biệt đối tượng nào.

Không phân biệt đối tượng nào
Thưa bộ trưởng, vừa qua tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các CCB của sư đoàn 356 – đơn vị lập nhiều thành tích trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược tại biên giới phía Bắc, các CCB đã bày tỏ mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa tới những người đã tham gia cuộc chiến này. Vấn đề đó hiện nay đang được thực hiện như thế nào? 

Hiện nay chế độ, chính sách đối với CCB nói chung được thực hiện theo pháp lệnh CCB và nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh CCB. Các CCB tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc còn được hưởng chế độ treo theo quyết định 62 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Ngoài ra, các CCB tham gia chiến dịch biên giới còn được hưởng những ưu đãi khác như được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội. CCB trong độ tuổi lao động được ưu tiên học nghề, tạo việc làm, tuyển dụng vào việc làm ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với sức khỏe và chuyên môn đào tạo, xuất khẩu lao động. CCB cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động được Hội CCB cơ sở đề nghị, chính quyền xác nhận thì được ưu tiên tiếp nhận vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội…

Như vậy, chính sách của chúng ta tương đối nhất quán, không phân biệt đối tượng nào.

Còn đối với thân nhân, gia đình những liệt sĩ trong cuộc chiến này thì sao, thưa bộ trưởng?

Thân nhân, gia đình các liệt sĩ tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc được hưởng chế độ, chính sách theo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này không phân biệt liệt sĩ hi sinh trong giai đoạn nào nên thân nhân, gia đình của những liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch biên giới phía Bắc cũng được hưởng các chế độ như thân nhân, gia đình liệt sĩ hi sinh trước ngày 30-4-1975. Cụ thể, thân nhân liệt sĩ nếu đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng một lần, hai lần hoặc ba lần mức chuẩn (mức chuẩn hiện tại là 1,22 triệu đồng); thân nhân liệt sĩ nếu sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con liệt sĩ chưa đến tuổi trưởng thành mà mồ côi cả cha mẹ được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hằng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn; liệt sĩ nếu không còn thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp 500.000 đồng mỗi năm một lần để thờ cúng liệt sĩ. Ngoài ra, thân nhân liệt sĩ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng chế độ điều dưỡng, ưu đãi giáo dục, hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật.

Nhưng đại diện sư đoàn 356 cho biết nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn gặp khó khăn về thủ tục, giấy tờ khi thực hiện chế độ, chính sách?

Tháng 10-2013, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã ký thông tư liên tịch số 28 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Các CCB có thể căn cứ vào những hướng dẫn trong thông tư này để làm các thủ tục cần thiết để được hưởng chế độ. Ngoài ra, hiện nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang chủ trì thực hiện rà soát lại tất cả các trường hợp người có công để xem đối tượng nào đã được hưởng nhưng chưa đủ, đối tương nào còn thiếu.

Trên cơ sở rà soát, các địa phương sẽ lập danh sách để tìm cách giải quyết nhanh nhất đảm bảo tất cả đối tượng sẽ được hưởng chế độ. Hiện nay, mỗi tỉnh đã rà soát xong tại một huyện điểm. Sang năm sau sẽ hoàn thành việc rà soát và tôi hi vọng khi đó những vấn đề tồn tại của người có công sẽ được giải quyết.

Đề xuất rất đúng 
Một trong những băn khoăn của các CCB tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc là hiện còn nhiều đồng đội của họ đang nằm lại chiến trường, chưa tìm thấy hài cốt. Được biết, Bộ Lao đông – thương binh và xã hội đang triển khai đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin? 

Theo nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Quốc phòng có trách nhiện chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước. Vấn đề nay Bộ Quốc phòng đã và vẫn đang triển khai, tất nhiên cũng có những khó khăn nhất định. Khi có trường hợp hài cốt liệt sĩ được tìm thấy thì Bộ Lao động – thương binh và xã hội sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ đón các anh về. Tới đây, nếu sư đoàn 356 hay các đơn vị khác tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc cung cấp dữ liệu thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm, quy tập.

Còn về đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có phương pháp giám định gen thì mỗi khi có mẫu sinh phẩm hài cốt, chúng tôi sẽ chuyển cho các cơ sở giám định gen của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện hàn lâm khoa học – công nghệ Việt Nam để tiến hành giám định. Hiện đã có một số trường hợp giám định thành công và sắp tới chúng tôi sẽ công bố một số trường hợp đã giám định.

Lâu nay, vì nhiều lý do khác nhau mà cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chưa được nhắc đến nhiều. Đó không chỉ là điều các CCB mà nhiều người dân cũng rất băn khoăn. Bộ trưởng nghĩ sao về đề xuất xây dựng một đài tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc?

Chúng ta có nhiều cách tuyên truyền về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và tuyên truyền theo chỉ đạo chung. Bản thân bộ chúng tôi năm ngoái đã tổ chức hội nghị biểu dương những người có công trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bao gồm cả cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc.

Vừa qua khi gặp Chủ tịch nước, các CCB của sư đoàn 356 đã kiến nghị với Chủ tịch nước về việc xây dựng một đài tưởng niệm vinh danh các chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc và tôi thấy đó là đề xuất rất đúng. Tới đây, chúng tôi sẽ xem xét đề xuất đó để nghiên cứu, hỗ trợ. Khu vực nào diễn ra nhưng trận chiến đấu ác liệt, có nhiều người hi sinh thì sẽ đặt đài tưởng niệm ở đó. Tất nhiên vấn đề này chúng tôi sẽ phài bàn với Bộ Quốc phòng để cụ thể hóa. Nếu đài tưởng niệm quy mô vừa phải thì bộ sẽ quyết định, còn nếu tầm quốc gia thì sẽ xin ý kiến Chính phủ.
Theo Tuổi Trẻ

3 nhận xét:

  1. DÙ là hy sinh ở đâu và trong cuộc chiến nào đi nữa thì họ cũng là những con người đã ngã xuống, đã hy sinh cho Tổ Quốc có một mùa xuân vẹn toàn. Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam cần có những chính sách và sự quan tâm đúng mức đối với họ. Thế nhưng, khi mà ngày 27/7 đến gần, dường như người ta lại càng có thêm nhiều những lời phản ánh đối với việc thực hiện chế độ chính sách hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. Bất cứ điều gì cũng vậy, hiểu nhầm hay những hoài nghi cần được giải tỏa. Bà Bộ trưởng đã giải tỏa được những hoài nghi đó.

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay chế độ, chính sách đối với CCB nói chung được thực hiện theo pháp lệnh CCB và nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh CCB. Các CCB tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc còn được hưởng chế độ treo theo quyết định 62 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

    Trả lờiXóa

Proudly Powered by Blogger.