Linh mục DCCT Thái Hà Nguyễn Văn Toản đã đặt ra câu hỏi và cũng là tít bài viết trên Fb cùng tên: "CẮT TÓC, GỘI ĐẦU, QUÁN ĂN CÓ PHÒNG CHỐNG DỊCH TỐT BẰNG NHÀ THỜ?".
Để làm rõ hơn, vị Linh mục trẻ tuổi này viết tiếp: "Hà Nội đã cho "các dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà bảo đảm giữ khoảng cách, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi" từ ngày 22.06.2021 khi dịch đã cơ bản khống chế không có người lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại các nhà thờ, việc phòng chống dịch cũng không thể lơ là. Cắt tóc, gội đầu, ăn uống làm sao mà giữ được khoảng cách? Như vậy việc phòng chống dịch còn thua kém ở nhà thờ. Nhà thờ không gian rộng rãi, ngồi giãn cách, một ghế dài bình thường ngồi 7 người, nay ngồi 2-3 người, đeo khẩu trang...tuân thủ quy định phòng chống dịch. Do vậy, cấm các cơ sở tôn giáo hoạt động trở lại là sự bất công".
Không phải nói thêm về bất cứ ý tứ nào trong những điều được nói ra. Nó đã khá rõ về mặt ý cũng như tứ. Rằng theo quan điểm của Linh mục này thì việc cho phép các dịch vụ như cắt tóc, gội đầu hoạt động mà không cho các thánh lễ nhà thờ, trong đó có Công giáo hoạt động là bất công, là chưa tính hết được những yếu tố có thể xảy đến cũng như tương quan chống dịch tại các cơ sở tôn giáo...
Bài viết của Linh mục Nguyễn Văn Toản trên Fb cá nhân (Nguồn: fb).
Thế nhưng, xung quanh chuyện này, xin được nói thêm và làm rõ mấy ý như sau:
Về mặt khách quan và dễ nhìn thấy mà nói thì mặc dù đúng là các dịch vụ như cắt tóc, gội đầu, ăn uống trong nhà rất khó để giữ khoảng cách, nhưng phải khẳng định đây là những dịch vụ hết sức thiết yếu, của toàn dân, không riêng gì những người không theo tôn giáo cần có. Do đó, cùng với việc nới rộng phạm vi chống dịch thì việc các dịch vụ này được hoạt động trở lại là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, dù tại các nhà thờ, nhất là trên địa bàn Tp Hà Nội công tác phòng chống dịch được thực hiện rất tốt; từ rất sớm, khi dịch có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Tòa Tổng Giáo phận Hà Nội đến các giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn dòng tu đã chủ trương dừng các thánh lễ. Thay vào đó là các thánh lễ trực tuyến và đến nay vẫn được duy trì.
Song điều dễ thấy hơn là dù đã làm tốt nhưng nguy cơ lây lan, thậm chí bùng phát dịch trong các thánh lễ tôn giáo nói chung, của Giáo hội Công giáo nói riêng là rất lớn; quy mô người tham dự lớn sẽ gây cho công tác phòng chống dịch gặp khó khăn, nhất là trong khoanh vùng, truy vết dập dịch.
Còn đối với các dịch vụ như cắt tóc, gội đầu... nếu có xảy ra thì khả năng khoanh vùng, nhận diện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Hà Nội là thủ đô, là trái tim của đất nước. Việc duy trì các hoat động có tính thiết yếu tại thủ đô là hết sức quan trọng, trong đó có việc tạo tiềm lực để chi viện, hỗ trợ các địa phương khác chống dịch. Lẽ vì thế các dịch vụ thiết yếu được ưu tiên là điều dễ hiểu.
Trong đời sống hiện đại, nhu cầu tâm linh, tinh thần không kém thiết yếu so với các nhu cầu vật chất khác. Với tín đồ các tôn giáo, sự hiện diện tại các thánh đường vì thế là chuyện dễ hiểu. Nhưng trong bối cảnh, mọi hoạt động đều phải cảnh giác, đều phải cảnh tỉnh cao độ thì thiết tưởng các tôn giáo, trong đó có đạo Công giáo nên chia sẻ, chịu đựng một số hi sinh để chiến thắng dịch bệnh.
Tin tưởng với những sự chủ động đã có trong thời gian qua, Giáo hội các tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo sẽ tiếp tục đồng hành, hưởng ứng công cuộc chống dịch đang trở nên cấp bách và tập trung cao độ như hiện nay!
An Chiến
0 nhận xét: